Hôm 5/12, ông Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, đã ký công văn triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Cùng ngày, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng công bố kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó định hướng sắp xếp 14 bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong 10 ngày sau đó, cùng với các bộ ngành Trung ương, hơn 10 tỉnh, thành đã công bố phương án sắp xếp bộ máy của địa phương, gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Kiên Giang.

Phương án của địa phương cơ bản tương đồng với chủ trương từ Trung ương, với mục tiêu giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế cán bộ, công chức; cải thiện chất lượng quản lý hành chính nhà nước, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Hầu hết địa phương dự kiến hợp nhất các sở có chức năng tương đồng: Kế hoạch Đầu tư hợp nhất Tài chính; Giao thông Vận tải với Xây dựng; Tài nguyên Môi trường với Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin Truyền thông với Khoa học và Công nghệ; Lao động Thương binh và Xã hội với Nội vụ. Chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sẽ chuyển sang Sở Y tế; nhiệm vụ giảm nghèo chuyển về Ban Dân tộc. Sở Ngoại vụ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ về Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy.

Riêng Đà Nẵng có một số điều chỉnh khác biệt, trong đó thành phố muốn hợp nhất Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đồng thời tiếp nhận quản lý thông tin, báo chí và xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông. Thành phố cũng dự kiến hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học – Thông tin.





Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: VGP

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: VGP

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị nhằm hướng đến mục tiêu “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Khi sắp xếp bộ máy, sáp nhập và hợp nhất các đơn vị thì số lượng cán bộ công chức sẽ dôi dư rất lớn. Đây là bài toán mà các bộ ngành, địa phương cần phải tìm lời giải.

Theo nguyên Thứ trưởng Nội vụ, có chuyên gia nước ngoài khi nghe báo cáo đơn vị này có 80%, đơn vị kia 90% cán bộ trình độ đại học và trên đại học, họ nói: “Sao các ông sử dụng chất xám lãng phí thế. Chính phủ của chúng tôi chỉ có hai người là tiến sĩ thôi, không có giáo sư”.

Do đó để sắp xếp cán bộ công chức sau khi tinh gọn bộ máy, ông Phúc cho rằng việc đầu tiên cần làm là rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức. Mỗi cơ quan, tổ chức phải xác định chức năng, nhiệm vụ ổn định tương đối trong 5 đến 10 năm. Từ chức năng nhiệm vụ này, cần làm rõ sản phẩm của họ là gì? Với sản phẩm ấy thì cần bao nhiêu người và trình độ gì?

“Từ đó mới xác định bộ phận đó cần bao nhiêu công chức cao cấp, bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu công chức thường và bao nhiêu người phục vụ. Khi ấy mới định biên được là cơ quan này cần bao nhiêu biên chế để sắp xếp, tuyển dụng cho phù hợp”, ông Phúc nói.

Chọn sai người gây tổn hại ít nhất 5 năm

Là một trong những tỉnh đã công bố phương án sắp xếp, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết tỉnh dự kiến hợp nhất những đầu mối bên trong các sở, ngành có tên gọi và chức năng trùng nhau như văn phòng, thanh tra; sáp nhập những phòng ban có chức năng tương tự và theo hướng dẫn của trung ương. “Chúng tôi chủ động sắp xếp đồng thời với trung ương, huyện làm đồng thời với tỉnh. Khi phương án của tỉnh được trung ương thống nhất thì sẽ thực hiện ngay”, ông nói.

Theo ông An, do số cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đang giữ chức lãnh đạo. Ông đã gặp gỡ trao đổi và làm rõ ý nghĩa cấp bách của việc tinh gọn bộ máy, khơi gợi tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.

Quá trình sắp xếp, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện công khai, minh bạch, dựa trên các tiêu chí rõ ràng. Trước hết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo của Tỉnh ủy) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí bố trí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong trường hợp dôi dư phải sắp xếp.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù của tỉnh trên cơ sở đảm bảo hài hòa với chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời người dôi dư.





Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An. Ảnh: Như Ý

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trước khi sắp xếp. Mỗi cá nhân, nhất là cán bộ giữ chức vụ và công chức ở các cơ quan sáp nhập hoặc kết thúc nhiệm vụ sẽ đăng ký 1-2 nguyện vọng cá nhân.

“Với hai cơ quan hợp nhất, chỉ một người giữ vị trí cấp trưởng, người còn lại có thể đến đơn vị khác làm lãnh đạo nếu trình độ năng lực phù hợp hoặc chấp nhận xuống cấp phó, thậm chí lựa chọn nghỉ chế độ”, ông An cho hay.

Hiện nay, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng đề án sử dụng các trụ sở dôi dư. Một số vị trí sẽ được dùng để xây tiện ích công cộng cho người dân như công viên, quảng trường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thể dục thể thao. Những nơi có giá trị kinh doanh thì có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, đấu giá để phát triển trung tâm thương mại hoặc khách sạn.

Ông phân tích theo logic là nhập bao nhiêu cơ quan thì sẽ thừa bấy nhiêu lãnh đạo, nhưng thực tế mỗi địa phương khác nhau. Đối với Vĩnh Phúc, hiện một số đơn vị chưa có cấp trưởng nên việc sắp xếp thuận lợi hơn.

Để tránh lo ngại “giữ lại Lý Thông mà bỏ qua Thạch Sanh”, ông An cho rằng cần bám tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được ban hành, sau đó đánh giá trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ để chọn người phù hợp. Quá trình đánh giá phải lắng nghe nhiều chiều, nhiều nguồn và chắt lọc thông tin, quan trọng nhất là sự tín nhiệm của tập thể.

“Tập thể thể hiện tín nhiệm thông qua lá phiếu, công khai minh bạch, tránh việc làm đúng quy trình mà vẫn không chọn đúng người”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói.

Ông cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ thảo luận kỹ lưỡng nhiều chiều, không áp đặt ý chí chủ quan của người chủ trì, hoàn thành kế hoạch sắp xếp cán bộ trước ngày 25/12.

“Mỗi quyết định về công tác cán bộ sẽ quyết định đến sự phát triển của cơ quan, đơn vị và đất nước. Nếu chọn một ông cấp trưởng không ra gì thì sẽ gây tổn hại cho cơ quan đó ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí nhiều năm sau đó”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói.

Theo yêu cầu của Trung ương, các cơ quan phải hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Lan Hạ – Sơn Hà