Bình Định sẽ chi hàng nghìn tỷ phát triển đô thị An Nhơn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt điều chỉnh chương trình phát triển đô thị thị xã An Nhơn đến năm 2045. Theo đó, An Nhơn dự kiến được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh trong năm 2025. Giai đoạn đến năm 2025, đô thị có 11 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường và 4 xã. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến lập thêm một phường.
Đến năm 2030, quy mô dân số toàn đô thị đạt 220.000 người, Trong đó, nội thị khoảng 183.700 người, ngoại thị khoảng 36.300 người.
Để phục vụ phát triển An Nhơn, Bình Định dự kiến chi mức đầu tư lớn để phát triển hạ tầng, giao thông, cải tạo, chỉnh trang đô thị đến năm 2035. Vốn đầu tư đến từ hai nguồn ngân sách và ngoài ngân sách. Trong đó, dự chi cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung (các tuyến đường giao thông, công trình cấp thoát nước…) hơn 3.100 tỷ đồng. Chi phí cải tạo, nâng cấp khu vực nội thị hiện hữu, phát triển các khu dân cư dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng. Các hạng mục hạ tầng xã hội (chợ, khu thể thao, thương mại, công viên…) hơn 1.000 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2025, địa phương này dự kiến sẽ triển khai 18 công trình, hạng mục chỉnh trang đô thị, hạ tầng kỹ thuật với vốn hơn 500 tỷ đồng. Hai dự án có mức đầu tư lớn nhất là khu Thể dục Thể thao trung tâm An Nhơn kết hợp quảng trường (170 tỷ đồng); tuyến giao thông Bắc – Nam từ quốc lộ 19 đến khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn (140 tỷ đồng).
Thị xã An Nhơn cách TP Quy Nhơn gần 20 km về phía tây bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã. Cuối năm 2022, tỉnh Bình Định có kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố vào năm 2025.
Theo UBND Bình Định, An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với quốc lộ 1, quốc lộ 19 và đường sắt Bắc – Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (Gia Lai) đi qua.
Hoài Phương