Nga đe dọa ‘phát thêm thông điệp’ sau vụ phóng tên lửa Oreshnik
“Mỹ và đồng minh phải hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để không cho họ đạt được mục tiêu gây ra thất bại chiến lược cho Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson được công bố ngày 5/12.
Ông Lavrov thêm rằng Nga đã “gửi tín hiệu” cho phương Tây bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik tập kích mục tiêu ở thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11.
“Chúng tôi đã phát đi nhiều thông điệp và hy vọng rằng tín hiệu gần nhất được gửi đi vài tuần trước với tên lửa Oreshnik sẽ được phương Tây xem xét một cách nghiêm túc”, Ngoại trưởng Nga nói.
Dù nhấn mạnh Nga không muốn leo thang căng thẳng và muốn “tránh mọi hiểu lầm” với Washington cùng các đối tác, ông Lavrov cảnh báo “chúng tôi sẽ phát thêm thông điệp nếu họ không rút ra được kết luận cần thiết”.
“Phương Tây đang sai lầm khi cho rằng lằn ranh đỏ của Nga có thể bị thay đổi”, ông Lavrov nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng tên lửa Oreshnik ở Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công của Kiev vào lãnh thổ nước này. Ông cho biết Oreshnik có thể bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh và không thể bị đánh chặn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án cuộc tập kích bằng tên lửa Oreshnik của Nga, đồng thời kêu gọi đồng minh viện trợ thêm hệ thống phòng không để ứng phó mối đe dọa mới.
Giới chức Nga cho biết Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Ukraine gọi đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), còn Mỹ xác định nó là tên lửa đạn đạo tầm xa.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nhận định tên lửa Oreshnik mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn lại chứa 6 đầu đạn con. Thời gian bay của quả đạn từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan đến Dnipro là 15 phút, với tốc độ ở pha cuối là trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h). Với tốc độ bay này của Oreshnik, toàn bộ hệ thống phòng không của Ukraine hiện nay đều không có khả năng đánh chặn.
Ông Zelensky gần đây cũng thừa nhận quân đội Ukraine hiện không đủ sức mạnh để giành lại một số lãnh thổ do Nga kiểm soát, nên phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Ông cho rằng Kiev có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Moskva nếu NATO đồng ý bảo trợ an ninh cho các vùng lãnh thổ mà Ukraine còn giữ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Zelensky đề cập đến kịch bản ngừng bắn mà cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ Ukraine, dù chỉ là tạm thời.
Ngoại trưởng Nga cho biết giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine chỉ có thể được tiến hành nếu Kiev từ bỏ ý định gia nhập NATO, đóng cửa các căn cứ quân sự phương Tây trên lãnh thổ nước này và hủy bỏ các cuộc diễn tập có quân đội nước ngoài tham gia.
“Đây là những điều Tổng thống Putin đã nói nhiều lần. Nhưng tất nhiên, những điều này đã nói từ tháng 4/2022 và giờ những thay đổi trên thực địa từ đó đến nay phải được tính thêm”, ông Lavrov nói, đề cập tới việc Nga sáp nhập 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh xung đột Ukraine cũng cần được giải quyết trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ông Lavrov thêm rằng Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ông ám chỉ cơ hội tiếp xúc giữa Nga và chính quyền mới đang nằm trong tay Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngoại trưởng Nga nhận xét ông Trump là “người mạnh mẽ và thân thiện, nhưng không ủng hộ Moskva”.
Ukraine và các nước phương Tây chưa bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Nga.
Thùy Lâm (Theo AFP, TASS, Kyiv Independent)