Marco Rubio – từ đối thủ tới ngoại trưởng của ông Trump
Năm 2022, khi thượng nghị sĩ Marco Rubio vừa kết thúc cuộc tranh luận với đối thủ đảng Dân chủ Val Demings trong cuộc bầu cử giữa kỳ, cựu tổng thống Donald Trump gọi điện cho ông.
Theo nguồn tin thân cận, ông Trump gọi để ca ngợi cuộc tranh luận của Rubio, nói rằng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã làm rất tốt và đề nghị làm bất kỳ điều gì có thể trong những ngày cuối chiến dịch để đảm bảo ông Rubio giữ được ghế thượng nghị sĩ.
Vài tuần sau, ông Trump xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử ở Miami, nói với đám đông tham dự rằng “các bạn cần Marco Rubio chiến đấu cho các bạn ở Thượng viện. Ông ấy rất tuyệt vời”.
Năm đó, ông Rubio tái đắc cử thượng nghị sĩ nhiệm kỳ ba. Và giờ, thượng nghị sĩ Florida là cái tên được chọn cho vị trí ngoại trưởng Mỹ, một trong những chức vụ hàng đầu trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nếu đề cử này được Thượng viện phê chuẩn vào đầu năm sau, chính trị gia sinh ra ở bang Florida sẽ trở thành người gốc Latin đầu tiên đảm nhận vai trò ngoại trưởng Mỹ.
Marco Antonio Rubio, sinh ngày 28/5/1971 ở Miami, bang Florida, có bố mẹ là người Cuba nhập cư vào Mỹ năm 1956. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1989, ông theo học Đại học Tarkio ở Missouri một năm theo diện học bổng, trước khi ghi danh vào Đại học Cộng đồng Santa Fe ở Florida.
Rubio sau đó lấy bằng cử nhân về khoa học chính trị tại Đại học Florida năm 1993 và bằng tiến sĩ luật tại Trường Luật thuộc Đại học Miami năm 1996. Ông từng có khoản vay sinh viên 100.000 USD và phải đến năm 2012 mới thanh toán hết.
Ở tuổi 28, ông đã chớp thời cơ tranh cử vào hạ viện bang Florida, bỏ lại chiếc ghế ủy viên trong hội đồng thành phố Tây Miami mà ông vừa tuyên thệ nhậm chức một năm trước. Ông dần vươn lên và được bầu làm chủ tịch hạ viện bang Florida trong hai năm, bắt đầu từ tháng 11/2006.
Sau khi hết nhiệm kỳ năm 2008, ông trở thành giảng viên tại Đại học Quốc tế Florida. Năm 2010, Rubio tranh cử và được bầu vào Thượng viện Mỹ.
“Hành trình thăng tiến chính trị của ông ấy rất ấn tượng. Ông ấy xuất thân từ gia cảnh bình thường, tốt nghiệp trường luật và hầu như không gây ấn tượng trong các cuộc tranh cử nhỏ cấp thành phố. Song giờ đây, ông ấy là thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho một trong ba bang lớn nhất cả nước”, Al Cardenas, cựu chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Florida và từng là cố vấn cho Rubio, nói.
Tháng 4/2015, ông tuyên bố tranh cử tổng thống thay vì tái tranh cử ở Thượng viện. Chiến dịch tranh cử của ông chấm dứt vào ngày 15/3/2016, sau khi Rubio thua ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của chi nhánh đảng Cộng hòa ở Florida.
Sau thất bại này, Rubio từng có ý định từ bỏ chính trường và tìm kiếm công việc trong lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, không ai trong số các ứng viên của đảng Cộng hòa đủ gây ấn tượng nhiều với các nhà tài trợ và lãnh đạo đảng để theo đuổi chiếc ghế thượng nghị sĩ mà Rubio bỏ trống.
Frank VanderSloot, thành viên hội đồng quản trị Phòng Thương mại Mỹ và là người từng tài trợ cho nỗ lực tranh cử vào Nhà Trắng của Rubio, đã khuyên ông trở lại.
“Nước Mỹ cần ông ấy ở lại Thượng viện”, VanderSloot nói.
Rubio sau đó cho hay vụ xả súng tại câu lạc bộ đêm dành cho cộng đồng LGBTQ ở Orlando hồi tháng 6/2016 là động lực khiến ông quay lại chính trường, cho rằng “bạn cần ở nơi có thể giúp ích nhất cho đất nước”. 12 ngày sau vụ xả súng, Rubio tái tranh cử vào Thượng viện và sau đó giành chiến thắng.
Bất chấp những lời chỉ trích gay gắt của ông Trump trong vòng bỏ phiếu sơ bộ, Rubio đã ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tháng 11/2016. Mối quan hệ của hai người tan băng và ngày càng phát triển. Sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu, ông đã mời Rubio tới Nhà Trắng ăn tối.
Rubio đã ủng hộ ông Trump suốt 4 năm sau đó, trong khi tổng thống Mỹ cũng dựa vào kinh nghiệm của thượng nghị sĩ về các vấn đề Mỹ Latin để giải quyết chính sách liên quan tới Venezuela, Cuba và Colombia.
“Ông ấy đã thay đổi 180 độ, từ đảng viên Cộng hòa trung hữu trong một số vấn đề như nhập cư thành người ủng hộ ông Trump hoàn toàn. Ông ấy không phải người duy nhất thay đổi theo hướng này”, Cardenas nói.
Giới quan sát cho rằng sự thay đổi của Rubio phản ánh thực tế chính trị rằng bất hòa với ông Trump không phải là lựa chọn cho những thành viên muốn có tương lai chính trị trong đảng.
Gram Slattery, nhà phân tích của Reuters, nhận định việc ông Trump đề cử Rubio là lựa chọn chiến lược. Ông Trump đã đánh bại Phó tổng thống Kamala Harris một phần nhờ sự ủng hộ từ lượng lớn cử tri gốc Latin, những người từng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử trước. Bằng cách đưa Rubio vào vị trí ngoại trưởng, ông Trump có thể củng cố nền tảng ủng hộ của nhóm cử tri này và thể hiện rằng đại diện của họ có một vị trí cấp cao trong chính quyền vì đã trung thành với ông.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng đánh giá cao thượng nghị sĩ Rubio.
“Tôi nghĩ ông ấy sẽ luôn cho chúng tôi những lời khuyên tốt”, thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, thành viên đảng Cộng hòa ở bang Alaska, nói.
“Ông ấy là một người ổn định, sẽ không lên tiếng trừ khi cần nói. Ông ấy không phải kiểu người khoa trương, thích thể hiện ở mọi vấn đề mà chỉ tập trung vào chuyên môn của mình”, thượng nghị sĩ bang Alabama Tommy Tuberville nói.
Ông Rubio cũng được nhận xét là người có lập trường cứng rắn nhất trong số các ứng viên mà Tổng thống đắc cử Trump cân nhắc cho vị trí ngoại trưởng. Ông nhiều năm qua ủng hộ chính sách đối ngoại quyết liệt của Mỹ với các đối thủ cạnh tranh.
Chính quyền mới của ông Trump sẽ đối mặt thế giới bất ổn hơn nhiều so với khi ông nhậm chức năm 2017. Các cuộc xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt ở Ukraine và Trung Đông, trong khi các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Iran, Nga ngày càng xích lại gần nhau.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Rubio cho rằng Ukraine cần tìm kiếm giải pháp đàm phán với Nga thay vì tập trung vào nỗ lực giành lại lãnh thổ. Ông là một trong 15 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối gói viện trợ quân sự 95 tỷ USD cho Ukraine, khoản hỗ trợ cuối cùng vẫn được Mỹ thông qua hồi tháng 4.
“Tôi không đứng về phía Nga, nhưng rõ ràng thực tế là cuộc chiến ở Ukraine cần kết thúc bằng cách đàm phán”, ông nói với NBC hồi tháng 9.
Về xung đột ở Trung Đông, ông Rubio bày tỏ ủng hộ hoàn toàn đối với chiến dịch của Israel ở Dải Gaza. Cuối năm ngoái, khi được hỏi về thương vong dân thường Palestine trong xung đột, ông trả lời: “Tôi nghĩ Hamas phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Ông Rubio là một trong những thượng nghị sĩ tích cực kêu gọi Mỹ phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Rubio ủng hộ chính sách công nghiệp nhằm tăng cạnh tranh của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông cũng từng là đồng chủ tịch ủy ban lưỡng đảng về Trung Quốc, có nhiệm vụ xây dựng chính sách cứng rắn với Bắc Kinh. Năm 2020, ông ủng hộ dự luật ngăn nhập khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc sau căng thẳng giữa hai bên về vấn đề Tân Cương. Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật đề xuất này vào năm 2021.
Động thái này đã khiến Trung Quốc tức giận. Nước này năm 2020 cấm Rubio nhập cảnh và đưa ông vào danh sách 11 quan chức Mỹ bị trừng phạt để trả đũa.
“Việc ông Trump lựa chọn Rubio cho ghế ngoại trưởng sẽ là kịch bản tệ hơn rất nhiều cho Bắc Kinh so với Pompeo”, một cựu quan chức chính quyền ông Trump nói, đề cập tới cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người vốn được nhận xét là có lập trường rất cứng rắn với Trung Quốc.
Thùy Lâm (Theo Reuters, CNN, AFP)