“Các nhóm phiến quân muốn phá hủy Syria một lần nữa, nhằm tạo ra hỗn loạn và lật đổ chính phủ. Chúng sẽ không đạt được mục tiêu, bất chấp những gì đã làm gần đây. Hezbollah sẽ sát cánh cùng Syria để ngăn đợt tấn công này nhiều nhất có thể”, Thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem nói hôm 5/12.

Ông Qassem cáo buộc Mỹ và Israel ủng hộ “phe phái takfiri”, thuật ngữ mà người Hồi giáo dòng Shiite sử dụng để chỉ các nhóm Hồi giáo dòng Sunni cực đoan.

Chưa rõ Hezbollah có thể hỗ trợ gì cho Syria. Nhóm vũ trang Lebanon đã chịu tổn thất nặng nề sau hơn hai tháng giao tranh leo thang với Israel, trong đó nhiều lãnh đạo cấp cao và chỉ huy quân sự đã thiệt mạng.





Thành viên Hezbollah tại làng Majadel, miền nam Lebanon tháng 10/2023. Ảnh: AP

Thành viên Hezbollah tại làng Majadel, miền nam Lebanon tháng 10/2023. Ảnh: AP

Hezbollah là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Syria trong hơn 10 năm nội chiến, từng triển khai nhiều đơn vị tới hỗ trợ quân đội chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad chống phiến quân. Syria cũng là tuyến hậu cần quan trọng để Hezbollah nhận vũ khí từ Iran để củng cố năng lực tại Lebanon.

Phiến quân Hay’et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm đồng minh ngày 29/11 mở chiến dịch tấn công Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này, và chiếm được nhiều khu vực lân cận.

Các nỗ lực đảo ngược tình thế của quân đội Syria cùng sự yểm trợ của không quân Nga chưa đạt tiến triển. Quân đội Syria ngày 5/12 thông báo rút khỏi Hama, thành phố lớn thứ tư nước này, sau khi phiến quân tấn công theo nhiều hướng.





Vị trí một số thành phố ở Syria. Đồ họa: AP

Vị trí một số thành phố ở Syria. Đồ họa: AP

HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 điều lực lượng tới hỗ trợ đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Assad.

Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn các hoạt động quân sự đáng kể ở Syria. Nga sau đó rút bớt lực lượng, chỉ duy trì một số đơn vị tại căn cứ Latakia ở miền tây Syria.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)