Ông Lê Đức Thọ: ‘Xuyên Việt Oil coi tôi như người nhà nên tặng quà’
Chiều 25/11, phiên xét xử ông Lê Đức Thọ; cựu thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải; Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, tiếp tục với phần bào chữa của bị cáo và các luật sư.
Tự bào chữa trong hơn 10 phút, cựu bí thư Bến Tre nhắc lại nội dung như từng trả lời thẩm vấn của HĐXX, rằng thấy rất hối hận với sai phạm đã gây ra. Ông đồng tình với cáo trạng, song muốn trình bày rõ bối cảnh phạm tội để được xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Ông Thọ bị cáo buộc từ năm 2019 đến tháng 1/2020 – khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của bà Hạnh. Ngoài ra, ông còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.
Tổng cộng, ông Thọ Nhận hối lộ gần 14 tỷ đồng và Lợi dụng vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng lên người khác để trục lợi 23 tỷ đồng. Hiện, bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền này. Ông Thọ được VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm, đề nghị tòa tuyên phạt 28-29 năm tù về hai tội danh, phạt bổ sung mỗi tội 100 triệu đồng.
Giọng rõ, ông Thọ cho biết trong suốt quá trình điều tra đã khai báo rất thành khẩn về việc được bà Hạnh tặng quà. Tuy nhiên, ông mong các cơ quan tố tụng xem xét bởi các tài liệu cho thấy việc bà này tặng quà là thường xuyên, trong các dịp lễ tết. Ông không vì nhận quà mà can thiệp trái pháp luật vào việc cấp tín dụng.
“Khi bị cáo còn là lãnh đạo Vietinbank thì Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp rất tốt, nhiều ngân hàng phải cạnh tranh để được phục vụ. Vì thế, việc có nhận được quà hay không thì bị cáo vẫn ưu tiên cho công ty này”, ông Thọ nói. Khi chuyển sang làm Bí thư Bến Tre, vào các ngày lễ tết ông đều cử các đoàn đến thăm những đơn vị, trong đó có Xuyên Việt Oil. Ông cũng chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đồng hành với tỉnh Bến Tre.
Ông Thọ cho biết, trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, đã tư vấn cho Hạnh tham gia tái sinh xăng dầu thế giới và đạt được lợi ích rất lớn. “Chị ấy nhắn tin cho tôi khoe là mỗi ngày lợi nhuận vài triệu USD. Tôi với chị Hạnh nói đùa với nhau là ‘tôi tư vấn cho chị không phải là không công đâu, phải trả công cho tôi đấy’. Anh em kháo với nhau như vậy và Hạnh nói sẽ cảm ơn tôi về việc này”, ông Thọ trình bày.
Ngoài ra, cựu bí thư Bến Tre cho rằng trong quá trình làm việc cũng thường xuyên tư vấn, góp ý thay đổi về cách quản trị, điều hành, tổ chức chiến lược để phát triển và Hạnh rất lắng nghe. Với các tư vấn, góp ý đó, Hạnh có lợi ích nên đã cảm ơn ông.
“Trong công việc hàng ngày, chị ấy cũng rất quan tâm tôi, có những ứng xử như người trong gia đình và nhiều lần nói xem tôi như người anh kết nghĩa vì các tư vấn trách nhiệm, chân thành và đạt hiệu quả rất tốt. Đây cũng là lý do mà chị ấy hay tặng quà cho tôi, vượt ra khỏi cái mà tôi tác động”, ông Thọ nói, thêm rằng “đó là tình cảm như là gia đình” và muốn trình bày để HĐXX, VKS thấy bản chất vì sao Hạnh lại hay tặng quà cho ông.
Hồi tuần trước, trả lời xét hỏi của tòa, bị cáo Hạnh khai đã chủ động tặng quà, tiền chứ ông Thọ “chưa bao giờ đòi hỏi”. Có lần bị cáo tặng ôtô, ông Thọ còn nhiều lần đề nghị trả lại giá trị của chiếc xe nhưng bị cáo không đồng ý. Giải thích về việc tặng qùa giá trị lớn cho ông Thọ, bị cáo Hạnh cho rằng “nhờ sự tư vấn của ông Thọ mà có thời điểm công ty đã thu được lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng”.
Bào chữa cho ông Thọ, luật sư Trần Nam Long cho rằng mức án VKS đề nghị đối với thân chủ là quá nặng nề, đồng thời nêu 6 vấn đề để HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, luật sư dành nhiều thời gian phân tích việc “nhận quà” của ông Thọ là chưa từng đòi hỏi, và không phải lý do này mà can thiệp trái pháp luật vào việc cấp tín dụng cho Xuyên Việt Oil.
Theo luật sư, trong tài liệu điều tra và lời khai của bị cáo Hạnh thể hiện ông Thọ “không có bất cứ yêu cầu, đòi hỏi gì”. Mỗi lần gặp nhau, bà này thường áp dụng cùng mô tip là gọi điện, liên hệ tìm hiểu, gặp tặng quà nhân dịp sinh nhật, lễ tết… chứ ông Thọ không gợi ý.
“Xin HĐXX phân biệt ranh giới mong manh giữa việc tặng quà và nhận tiền hối lộ”, luật sư trình bày và dẫn chứng hai lần thân chủ nhận quà đều rơi vào dịp Tết.
Lần thứ nhất, khi xin cấp hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng không được Vietinbank đáp ứng nhưng bà Hạnh không ý kiến, vẫn vui vẻ. Việc này thể hiện mục đích chính của bà Hạnh là tặng quà dịp Tết. Hay lần thứ 2, lúc ông Thọ không giữ bất cứ nhiệm vụ nào ở ngân hàng, nếu bị cáo Hạnh muốn cấp tín dụng thì có thể liên hệ với nhà băng, không cần thông qua ông Thọ.
“Việc tặng quà cho thân chủ tôi có nhiều lý do, và giúp vay vốn chỉ là một lý do trong đó”, luật sư phân tích và cho rằng bản thân ông Thọ đã nhận thức hành vi này đã sai trái, nên đã hoàn trả, khắc phục hoàn toàn hậu quả.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
>> Mức án VKS đề nghị đối với 15 bị cáo
Quốc Thắng