Kiện công ty sau khi bị đuổi việc vì ngủ một tiếng trong giờ làm
Ông Trương là giám đốc bộ phận của một công ty hóa chất ở thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô, đã làm việc được 20 năm.
Ngày 17/8/2023, Trương nằm gục trên bàn làm việc chợp mắt một tiếng do ngày hôm trước phải lái xe đến nửa đêm. Ngày 1/9/2023, nhân viên bộ phận nhân sự đưa cho Trương ký tên xác nhận vào một tờ khai nêu rõ ông có hành vi ngủ trong giờ làm.
Nhân viên nhân sự cũng hỏi trên WeChat: “Giám đốc Trương, ngày hôm đó anh đã ngủ bao lâu?”, Trương trả lời “khoảng hơn một tiếng”.
Sau đó, công đoàn công ty chấp thuận việc chấm dứt hợp đồng lao động của Trương với lý do ngủ trong giờ làm việc, vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy định của công ty. Cùng ngày, công ty ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó nêu rõ “Sổ tay nhân viên” của công ty có quy định không khoan nhượng với mọi hành vi vi phạm kỷ luật (bao gồm ngủ trong giờ, ăn vặt, chơi game).
Trương cho rằng việc công ty chấm dứt quan hệ lao động là vi phạm pháp luật nên kiện công ty ra tòa.
Ngày 19/11, TAND thành phố Thái Hưng lần đầu tiên công bố chi tiết vụ án.
Tòa án nhận định Trương có vi phạm kỷ luật, nhưng xét theo chức vụ quản lý và mức độ nghiêm trọng, việc ngủ một tiếng trong giờ làm việc không gây tổn thất lớn hoặc ảnh hưởng cực kỳ xấu đến công ty. Việc đơn vị sử dụng lao động thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng phải căn cứ vào việc người lao động vi phạm nội quy, quy định ở mức độ nghiêm trọng.
Xét về động cơ, tần suất, hậu quả, tác động, thiệt hại…, hành vi vi phạm kỷ luật của Trương là không thường xuyên và không gây thiệt hại lớn hay ảnh hưởng xấu đến công ty nên không thể xác định là “nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, Trương đã gắn bó với công ty 20 năm, nhiều lần được đánh giá là xuất sắc và được thăng chức, tăng lương. Việc công ty trực tiếp chấm dứt hợp đồng lao động với Trương chỉ vì một lần vi phạm “Sổ tay nhân viên” nội bộ của công ty là không hợp lý, đồng thời công ty không có bằng chứng chứng minh rằng các quy định liên quan trong “Sổ tay nhân viên” được xây dựng theo quy chế dân chủ.
Tòa án kết luận việc công ty chấm dứt quan hệ lao động với Trương là trái pháp luật và yêu cầu công ty phải bồi thường cho Trương hơn 350.000 nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Tuệ Anh (Theo Jiangsu News)