Chủ doanh nghiệp bị phạt 12 năm tù vì tống tiền 10 tỷ, dọa ‘cho bay chức’
Ngày 14/11, bị cáo Duy Đức Tuấn, 50 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính Thái Bình Dương, bị TAND Hà Nội tuyên 12 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Bị hại trong vụ án là ông Vũ Hùng Sơn, cựu phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).
Cáo trạng xác định sự việc khởi nguồn trong giai đoạn năm 2009, khi ông Sơn chưa đảm nhiệm chức vụ nào trong cơ quan nhà nước mà đang làm giám đốc công ty Sơn Tùng, kinh doanh lĩnh vực ôtô.
Bị cáo Tuấn muốn mua ôtô từ nước ngoài song không thể làm thủ tục nên để Công ty Sơn Tùng nhập khẩu ủy thác, chi phí 2.000 USD.
Xe sau đó được bàn giao cho bị cáo Tuấn quản lý, sử dụng. 4 năm sau, Tuấn nhờ xuất lại hóa đơn nhập khẩu xe cho một công ty khác của Tuấn. Công ty nhập khẩu đã chốt số liệu báo cáo thuế nên không làm được theo ý ông Tuấn.
Tháng 8/2016, Tuấn gửi đơn tố giác anh Sơn “lừa đảo chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng” thông qua việc ký hợp đồng nhập khẩu xe Mercedes Benz S550. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định vụ việc là quan hệ dân sự, không có sự việc phạm tội nên không khởi tố vụ án.
Năm 2018-2020, Tuấn gửi nhiều đơn đến Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) Bộ Công an, Bộ Công Thương, Cục chống buôn lậu và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước… tố giác anh Sơn có hành vi làm giả tài liệu để nhập lậu ôtô trên. Toà cho hay các cơ quan có thẩm quyền xác định nội dung trùng với đơn Tuấn đã được cơ quan điều tra giải quyết.
Tháng 5/2020, Tuấn liên tục đăng các bài viết kèm ảnh hồ sơ, lý lịch công chức của anh Sơn đang được lưu tại Bộ Công Thương và chia sẻ công khai trên Facebook.
Anh Sơn khi này là Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia). Lo sợ hành vi của Tuấn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, công việc nên anh Sơn nhờ bạn liên lạc khuyên không tiếp tục gửi đơn. Tuy nhiên, Tuấn yêu cầu anh Sơn phải đưa 10 tỷ đồng thì mới đồng ý rút đơn, nếu không sẽ tiếp tục gửi đơn “để anh Sơn mất nghiệp”, cáo trạng nêu.
Anh Sơn không đồng ý nên Tuấn tiếp tục gửi đơn tố cáo anh Sơn đến nhiều cơ quan, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu Quốc hội.
Cuộc ‘ngã giá’ kéo dài 3 tháng
Giữa tháng 7/2020, anh Sơn biết ông Cao Quốc Cường, 51 tuổi, quen biết Tuấn nên nhờ khuyên không gửi đơn tố cáo gây ảnh hưởng đến công việc của mình nữa.
Ông Cường sau đó gọi điện thoại (có ghi âm) trao đổi, Tuấn không đồng ý nhưng hạ “giá rút đơn” xuống còn 7,9 tỷ đồng. Ông Cường nói lại yêu cầu của Tuấn và gửi cho anh Sơn các file ghi âm cuộc nói chuyện. Anh Sơn không chấp nhận vì số tiền Tuấn yêu cầu vượt quá khả năng và việc Tuấn tố cáo mình “không đúng”.
Tuấn sau đó tiếp tục đăng Facebook cá nhân hình ảnh “thông báo mật” của Cục An ninh Kinh tế về việc chuyển đơn tố cáo bổ sung của Công ty Thái Bình Dương về hành vi làm giả hồ sơ của Công ty Bảo Tín Sơn Tùng và Công ty Ánh Việt.
3 tuần sau, ông Cường gọi điện cho Tuấn, đề nghị dừng việc tố cáo Sơn, cho biết người này không có khả năng đưa nhiều tiền như thế. Tuấn nói “không có khả năng là việc của nó”, sau đó chốt “đúng 7 tỷ rưỡi thì em xử lý, còn không thì thôi”.
Hôm sau, Tuấn chủ động liên lạc với ông Cường, đe dọa “chủ trương là 5 bộ muốn khởi tố vụ này” và khẳng định sẽ không nói chuyện trực tiếp với anh Sơn, chỉ thông qua ông Cường. Tuấn sau đó nâng lên giá cũ, yêu cầu anh Sơn “ngoan thì chồng đủ 10 tỷ đi”.
Thêm một cuộc nói chuyện nữa, Tuấn kiên quyết lấy 9,5 tỷ đồng, và tiếp tục đe dọa “làm vụ này là nó mất nghiệp luôn”. Toàn bộ các cuộc trao đổi qua điện thoại với Tuấn, đều được ông Cường ghi âm.
“Do lo sợ”, cáo trạng nêu, anh Sơn đã đồng ý giao cho Tuấn 9,5 tỷ đồng và nhờ ông Cường nói lại. Tuấn đồng ý nhận tiền xong sẽ rút hết đơn.
Ngày 9/10/2020, anh Sơn trình báo Công an Hà Nội. 3 ngày sau chưa thấy anh Sơn chuyển tiền, Tuấn tiếp tục gửi đơn tố giác tới Bộ Công Thương, Bộ Công an… nói anh Sơn làm giả tài liệu để nhập lậu ôtô.
Ba năm sau, 18/4/2023, Tuấn bị bắt tạm giam. Tại cơ quan điều tra, bị can khai phù hợp với ông Cường về nội dung cuộc “tống tiền”.
Liên quan nội dung tố giác của Tuấn, cáo trạng xác định, cơ quan điều tra đã xác minh, thu thập tài liệu và kết luận “không có căn cứ”, bởi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng – Khu vực 1, xác định việc nhập khẩu chiếc ôtô được Công ty Ánh Việt “thực hiện đúng pháp luật” (thời điểm năm 2009).
Tại phiên tòa hôm nay, ông Sơn khai nhiều lần bị đe dọa, nói không làm gì có lỗi gây thiệt hại cho Tuấn nên không đồng ý yêu cầu của bị cáo. Theo ông, cơ quan điều tra hai lần trả lời không có dấu hiệu lừa đảo nhưng bị cáo vẫn “ròng rã tố cáo từ 2016 đến 2022”, khi ông không còn làm ở nhà nước nữa. Theo ông, vì bị cáo Tuấn kiện nhiều làm ảnh hưởng công việc, ông Sơn đã không được bổ nhiệm lại chức vụ.
Ông Sơn hỏi bị cáo: “Nhân đây tôi muốn hỏi anh, thực sự mục đích của anh là gì? Tại sao anh làm ăn với công ty mà cứ ‘chũi búa rìu’ vào cá nhân tôi thế? Công ty sai, anh cứ khiếu nại. Tôi khi đó là giám đốc sẽ có trách nhiệm trước pháp luật, chứ sao cứ đi kiện tôi, thậm chí kiện những thứ chẳng liên quan cái xe”.
Song bị cáo đáp chỉ biết ông Sơn là giám đốc, không biết ai là người kế nhiệm, nên “muốn kiện thì chỉ kiện ông Sơn”.
Thanh Lam