Nhận định này được ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, nêu tại hội thảo về triển vọng kinh doanh, ngày 9/10. Nhà băng này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 5% và tăng lên 6,3% vào 2024 – mức cao nhất trong số các tổ chức quốc tế đưa ra.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng Việt Nam

Tổ chức Năm 2023 Năm 2024
HSBC 5% 6,3%
ADB 5,8% 6,2%
IMF 4,7% 5,8%
UOB 5,2% 6%
World Bank 4,7% 5,5%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt trên 31,4 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, giá trị xuất khẩu đạt gần 260 tỷ USD, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022.

Nhưng ông Frederic Neumann cho rằng xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2024 khi lực cầu trở lại, giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ông phân tích, một trong những lý do sản xuất năm nay yếu vì tình trạng quá mua (mua nhiều hơn nhu cầu thực tế) trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm đi, người tiêu dùng quay sang đi du lịch, đến nhà hàng.

Nhưng tình thế này sẽ xoay chiều trong năm sau khi cơ cấu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thay đổi. Đó là dịch vụ có thể giảm tốc, còn sản xuất tăng trở lại. “Người tiêu dùng có thể quay lại mua sắm vì đã không mua 1-1,5 năm qua”, ông nói. Điều này có nghĩa nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng, giúp xuất khẩu cải thiện.

Động lực thứ hai cho kinh tế Việt Nam năm sau là chi tiêu nội địa, gồm tiêu dùng và mua sắm Chính phủ, được dự báo tăng. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2022.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng chi tiêu dè dặt trong vài quý qua, nhưng họ sẽ “sớm tự tin mua sắm trở lại” khi GDP lấy lại đà tăng 6-7%.

Ngoài xuất khẩu và chi tiêu nội địa, ông Brook Taylor, CEO quản lý Quỹ VinaCapital đánh giá lĩnh vực tài chính, dịch vụ và bất động sản sẽ phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Cơ sở hạ tầng cũng được các chuyên gia dự báo tăng tốc vào năm tới.

Tuy vậy, ông Frederic Neumann kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, góp phần giúp kinh tế phục hồi lên mức 6,3% vào năm 2024.

Dây chuyền sản xuất thấu kính của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Hòa Bình ngày 29/6. Ảnh: Giang Huy

Dây chuyền sản xuất thấu kính của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Hòa Bình ngày 29/6. Ảnh: Giang Huy

Triển vọng 2024 sáng sủa hơn nhưng ông Frederic nói, xuất khẩu vẫn tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam có độ mở kinh tế cao nên cũng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Trường hợp các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hồi phục kém hơn các dự báo đưa ra thời điểm này, họ sẽ giảm nhập khẩu. Vì vậy, nếu nhu cầu thế giới yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến trụ cột tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, theo các chuyên gia.

Bà Megan Lawson, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia ERM Việt Nam, chuyên tư vấn và dịch vụ quản lý tài nguyên môi trường, cho rằng trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững, thì doanh nghiệp nên quan tâm ESG, tức bộ tiêu chí đánh giá về môi trường (Environment), xã hội (Social), và quản trị (Governance).

Còn ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Đối tác quản lý – giao dịch, Thuế và Pháp lý của KPMG Việt Nam và Campuchia gợi ý chiến lược 3C dành cho các doanh nghiệp, là tập trung vào dòng tiền (cash flow), vốn (capital) và khách hàng (customer). Trong đó, doanh nghiệp cần quan tâm tới yếu tố cá nhân hóa khi thu hút khách hàng.

Cũng tại hội thảo, nhìn nhận năm 2023, chuyên gia từ HSBC dự báo GDP tăng khoảng 5%, bởi khó có đột phá trong ba tháng cuối năm. Ông Brook Taylor đánh giá là “ổn định, không thay đổi nhiều”. Tăng trưởng quý IV sẽ khoảng 6%, được xem là mức chậm nhưng vẫn lạc quan hơn nhiều nước khác. Với mức này, GDP năm 2023 dự báo tăng 5%, theo HSBC.

Viễn Thông