Đây là một trong những hạn chế được Chính phủ nêu tại báo cáo về thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), vừa gửi Quốc hội.

Sau 3 năm hiệp định này có hiệu lực, Chính phủ cho biết thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU năm ngoái tăng trên 35% so với 2021, đạt 31,4 tỷ USD.

Nửa đầu năm nay, do sức cầu tại thị trường EU giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai thị trường sụt 10% so với cùng kỳ 2022, chỉ đạt gần 29 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu gần 14,3 tỷ USD sang thị trường EU trong 6 tháng đầu, nhưng mức này giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ cho hay xuất khẩu sang châu Âu tăng trưởng tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định đem lại vẫn thấp, gần 26%. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm đa số trong tỷ trọng hàng có kim ngạch lớn xuất sang EU, như da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất hàng dưới dạng thô, làm theo đơn đặt hàng gia công của nhà mua nước ngoài; hoặc xuất khẩu nguyên liệu, hàng bán thành phẩm sang các nước khu vực EU.

“Nhiều doanh nghiệp mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật và vệ sinh an toàn của hàng xuất khẩu còn hạn chế”, báo cáo nêu. Việc này đặt ra thách thức với các doanh nghiệp nội địa khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan cao hơn. Muốn được hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại đã ký, các doanh nghiệp buộc phải chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang EU còn rất ít. Thực tế này cho thấy việc định vị thương hiệu cho hàng “made in Vietnam” tại thị trường khó tính như EU chưa được doanh nghiệp quan tâm, đưa vào chiến lược phát triển.

Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Công ty Dệt may Thành Công, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: An Phương

Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Công ty Dệt may Thành Công, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: An Phương

EVFTA được ví như “đường cao tốc” nối Việt Nam với EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa tận dụng thời cơ, ưu đãi của hiệp định này đem lại, theo Chính phủ, trước tiên do ảnh hưởng từ biến động của dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine. Xung đột địa chính trị kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng, khả năng tiếp cận thị trường EVFTA của doanh nghiệp Việt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, giá thành cao, chất lượng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chiến lược kinh doanh dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tận dụng EVFTA của Việt Nam. Họ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu, và nhập nguyên liệu sản xuất từ các nước không đạt tiêu chí về quy tắc xuất xứ theo quy định tại EVFTA. Các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá sản phẩm còn xảy ra khá phổ biến.

Để gỡ nút thắt và tận dụng cơ hội từ hiệp định, Chính phủ cho biết sẽ giao các bộ ngành nghiên cứu chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối”, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng hiệp định thương mại.

Tại các địa phương sẽ xúc tiến xây dựng mô hình hệ sinh thái, trước tiên trong 1-2 ngành hàng chính, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại.

Cùng đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn thông qua các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi trong trường hợp muốn nâng cao năng lực sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các tổ chức tín dụng quốc tế (IFC, ADB, WB hay các nguồn tài chính hợp pháp khác) để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao từ thị trường EU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Theo cam kết, gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình 7-10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%. Hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ, đầu tư như tài chính, thương mại điện tử, logistisc… và ngay cả những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, thương mại cũng sẽ lần lượt được mở cửa. Theo đó, cơ hội với hai bên là rất lớn.

Với Việt Nam, cơ hội là đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, thủy sản hay dệt may, da giày vào thị trường 27 nước châu Âu, thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại từ các doanh nghiệp khu vực này thời gian tới. Còn với EU, cơ hội là giảm loạt thuế quan EVFTA, ưu thế cho nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam.