Tại hội nghị tổng kết 6 tháng ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nửa đầu năm, thu ngân sách đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Mức này bằng 61% dự toán và tăng gần 18% so với cùng kỳ 2023. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong khi lạm phát ở ngưỡng 4,08%.

Xuất khẩu nửa đầu năm đạt trên 190 tỷ USD, trong đó dệt may đóng góp hơn 16 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5% so với cùng kỳ, gấp 2-3 tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng hay tích lũy tài sản. Khu vực dịch vụ tăng 6,64% với xu hướng phục hồi tích cực của du lịch, bán buôn, bán lẻ.

Song, ông cho hay doanh nghiệp vẫn khó khăn, số đóng cửa, giải thể vẫn lớn. “Doanh nghiệp lớn không có tiền, nhỏ không có việc”, ông nói, cho rằng một trong những nguyên nhân do ách tắc chính sách.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nửa đầu năm, khoảng 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tức là, bình quân mỗi tháng 18.400 đơn vị đóng cửa. Số này thấp hơn so với 19.900 đơn vị đăng ký thành lập mới, quay lại hoạt động mỗi tháng từ đầu năm. Tuy vậy, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn, theo cơ quan thống kê.

Đại diện cơ quan thống kê từng cho rằng điểm nghẽn lớn nhất với các đơn vị sản xuất là thị trường đầu ra, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất vẫn ở mức cao. Một số ngành như dệt may, điện tử vẫn gặp khó khi đơn hàng xuất khẩu giá trị thấp, thiếu lao động có tay nghề. Nhu cầu tiêu dùng giảm cũng tác động tới lĩnh vực sản xuất xi măng, chế biến thực phẩm.

Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần sớm tháo gỡ các vướng mắc và đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển. Thực tế, mỗi năm Chính phủ dành gần 200.000 tỷ đồng cho giãn, giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất. 2024 là năm thứ 4 thực hiện chính sách này.

Song, theo ông việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng (giãn, giảm thuế, phí) nên kết thúc trong năm nay. Thay vào đó, điều hành tài khóa sẽ bước vào chu kỳ mới, theo hướng thắt chặt. Tức là, cơ quan quản lý tập trung vào gỡ vướng cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thay vì giảm thuế, phí như hiện nay. Việc này nhằm đảm bảo an toàn tài chính công, có nguồn lực cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị, ngày 15/7. Ảnh: Mof

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị, ngày 15/7. Ảnh: Mof

Ông lưu ý giải pháp hỗ trợ cần căn cơ hơn, đặc biệt là tăng giải ngân đầu tư công. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 28,8%. Các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án vẫn vướng. “Không tháo gỡ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế, ảnh hưởng các ngành phụ trợ”, Bộ trưởng nhận định.

Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích một đồng vốn công được giải ngân sẽ kéo theo 2 đồng vốn cho đầu tư xã hội. Hiện tại vốn đầu tư công để tại Kho bạc Nhà nước là hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA có lãi suất là 6% – thấp hơn lãi thương mại doanh nghiệp đi vay (10-12% một năm). Do đó, vốn công ách tắc sẽ tác động đến đầu tư xã hội, lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, ông Phớc cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và quản lý lĩnh vực này chặt hơn, gắn với quản nghĩa vụ thuế khi làm dự án. Ước tính số nợ tiền sử dụng đất liên quan tới đất đai là 89.000 tỷ đồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ thất thu ngân sách, bất ổn xã hội khi người dân nộp tiền cho chủ đầu tư nhưng không được giao tài sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi, doanh nghiệp đã thu tiền, làm việc khác.

Về thị trường chứng khoán, lãnh đạo Bộ Tài chính nói sẽ sửa quy định về phát hành trái phiếu, nêu rõ trách nhiệm doanh nghiệp nhằm tránh việc họ không trả nợ, để lại hậu quả cho xã hội.

Phương Dung