Thông tin được ông Tarun Sawney nói trong tọa đàm “Sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp sáng tạo ở kỷ nguyên số” tổ chức tại TP HCM sáng 26/4.

Ông dẫn minh chứng từ Mỹ có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực sáng tạo nhưng không ai dám đầu tư vào một phần mềm và bị người khác bẻ khóa sử dụng bất hợp pháp vì rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn. Do đó nước này đưa ra nguyên tắc, xây dựng hệ thống luật bảo vệ từ ý tưởng, sau này là những sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn xảy ra việc xâm phạm bản quyền tác giả.

Ông ông Tarun Sawney, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của BSA chia sẻ về bản quyền phần mềm tại tọa đàm, sáng 26/4. Ảnh: Hà An

Ông Tarun Sawney, Giám đốc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA chia sẻ về bản quyền phần mềm tại tọa đàm, sáng 26/4. Ảnh: Hà An

Tại Việt Nam, khảo sát của BSA năm 2018 cho thấy, có tới 75% phần mềm dùng trong nước không có bản quyền. Theo ông Tarun Sawney, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ suy nghĩ, nhiều người cũng vi phạm, tạo ra văn hóa ngoại lệ cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn khi mỗi người ai cũng mong muốn ý tưởng của mình được tôn trọng nhưng tự họ lại xâm phạm vô thức vào bản quyền người khác với tâm lý mọi người xung quanh ai cũng đang xâm phạm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tarun Sawney cho rằng, khi bị xâm phạm bản quyền họ sẽ thiệt hại rất lớn về mặt tài chính, nghiêm trọng hơn là có thể không thể hoạt động được. Điều này có thể khiến Chính phủ không có nguồn thu từ thuế các doanh nghiệp này. Vì vậy ông mong muốn, mỗi người cần xây dựng thói quen từ chối việc xâm phạm bản quyền.

Một chuyên gia phần mềm hãng Bentley (Mỹ) cho biết, tại Việt Nam vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong nước sử dụng phần mềm lậu của công ty, trong đó có một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế cơ sở hạ tầng… Ông giải thích, phía doanh nghiệp Việt cho rằng việc bỏ ra vài nghìn USD đến hàng trăm nghìn USD cho một phần mềm là quá lớn, dẫn đến họ phải dùng phần mềm lậu.

Bạn trẻ TP HCM đi bộ hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới, sáng 26/4. Ảnh: Hà An

Bạn trẻ TP HCM đi bộ hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới, sáng 26/4. Ảnh: Hà An

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho rằng, quan điểm của nhà nước là không có bất kỳ sự dung túng nào cho hành vi xâm phạm bản quyền. Nhà chức trách đang cố gắng hoàn thiện cơ sở pháp lý về mặt nội dung, khung xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm sở hữu trí tuệ. “Mức phạt có thể tăng cao cho phù hợp với tình hình thực tiễn để mỗi người dân cùng thực thi nhằm giúp cộng đồng ý thức bảo vệ quyền của bản thân và tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác”, ông Liêm nói.

Còn ông Trần Lê Hồng, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, một quốc gia muốn thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, kinh tế phát triển với thu nhập cao cần phát triển khoa học công nghệ, thể hiện thông qua các sáng chế, giải pháp hữu ích hay bản quyền tác giả.

Theo ông Hồng, tại Việt Nam số lượng bằng sở hữu trí tuệ được cấp hàng năm còn khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới. Để tăng việc này, ông cho rằng các viện trường, khu công nghệ cần trang bị cho bạn trẻ nhận thức đầy đủ hơn về việc phát triển công nghệ lõi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. “Thế hệ trẻ cần nỗ lực hơn nữa trong sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ… như vậy bức tranh về số lượng bằng sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mới thay đổi theo hướng tích cực hơn thời gian tới”, ông Hồng nói.

Hà An