Tìm mọi cách phòng sốt xuất huyết
Gia đình bà Hạnh có 8 người, sinh sống ở Long Khánh, gần khu vực cây cối rậm rạp, muỗi sinh sôi nhiều. Mấy tháng gần đây, những người hàng xóm liên tục sốt xuất huyết nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày.
“Hàng xóm nhà tôi nhập viện một tuần mới được ra viện, mất thêm một tuần hồi phục, một người khác biến chứng viêm phổi”, bà kể và nói thêm các trường hợp này giúp bà hiểu hơn về bệnh, tăng mức độ phòng bệnh.
Lo lắng quá mức nên bà Hạnh thường xuyên yêu cầu các thành viên gia đình tổng vệ sinh, dọn dẹp, bất cứ dụng cụ chứa nước nào không có nắp đều bị loại bỏ. Để yên tâm hơn, bà lên lịch, sắp xếp cả gia đình đi tiêm vaccine.
Còn ông Hoàng Văn Quân (80 tuổi) ở trung tâm thành phố Thái Bình, hiếm khi bị muỗi đốt. Nghe tin miền Bắc đã bước vào cao điểm sốt xuất huyết, gia đình có hai cháu nhỏ, ông tìm mọi cách phòng. Thậm chí ông cùng hai cháu chơi trong màn để chắc chắn không có muỗi đốt.
“Tôi thấy mọi người khi điều trị sốt xuất huyết tốn kém hàng chục triệu đồng, vì vậy ngoài lo cho sức khỏe của cháu, tôi cũng lo các cháu sẽ tốn kém nếu nhiễm bệnh”, ông nói.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, trong những tháng cuối năm, đơn vị đón nhiều gia đình đến tiêm sốt xuất huyết do sợ bệnh. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng chủ động liên hệ để tiêm chủng cho người lao động. Việc này cho thấy người dân đã hiểu hơn về bệnh và chủ động phòng sốt xuất huyết và những bệnh truyền nhiễm khác.
Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng người dân không nên lo lắng thái quá, có tâm lý sợ bệnh. Bệnh sốt xuất huyết lây qua muỗi truyền, không lây qua không khí hoặc đường ăn, uống, người bệnh giảm nguy cơ trở nặng khi chăm sóc đúng cách. Vì vậy, người dân không nên áp dụng các biện pháp cực đoan, nên tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá sốt xuất huyết là gánh nặng toàn cầu.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 200.000 ca nhiễm và khoảng 40 ca tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm. Nghiên cứu cách đây 7 năm của đơn vị cho thấy mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, chưa tính người nhà đi theo chăm sóc.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, 11 tháng đầu năm 2023, quỹ chi trả cho bệnh nhân sốt xuất huyết hơn 152,6 tỷ đồng, người được chi trả cao nhất là hơn 301 triệu đồng.
Dịch tễ bệnh đang thay đổi, rút ngắn khoảng cách gây dịch lớn, lan rộng ra nhiều nơi trên cả nước thay vì tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung như trước.
Để phòng bệnh, Việt Nam hiện dựa vào phòng, chống muỗi truyền bệnh và thay đổi, hành vi, thói quen của người dân. Về vaccine, Bộ Y tế đã phê duyệt hồi tháng 5, kết hợp với các biện pháp trên để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh.
Về phía người dân, cơ quan y tế khuyến cáo người dân diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng nhiều biện pháp. Gia đình đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng, thả cá để diệt bọ gậy, thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần, loại bỏ phế thải… Mọi người nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng xịt hoặc nhang, vợt điện diệt muỗi. Người mắc sốt xuất huyết nên ngủ màn để tránh muỗi đốt, lây lan cho người khác.
Bác sĩ Chính cho biết hiện Việt Nam lưu hành cả 4 type virus Dengue gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Vaccine giúp phòng ngừa cả bốn type virus trên lên đến hơn 80%, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%.
Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn đều có thể tiêm chủng. Bác sĩ khuyến cáo người dân chủng ngừa vaccine khi có điều kiện để tăng khả năng phòng sốt xuất huyết.
Diệu Thuần
*Tên nhân vật được thay đổi.
20h ngày 6/12, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Sốt xuất huyết, Zona thần kinh và các loại vaccine quan trọng cần tiêm cho người lớn, người có bệnh nền”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:
TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Chương trình được phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây