Những xóm trọ hoang vắng
Xong việc, người phụ nữ 64 tuổi bước nhanh qua khoảnh sân vốn là bãi để xe tập thể, giờ vắng ngắt, để vào nhà tránh cái nắng gay gắt trưa tháng 7. Ngang qua tầng một, bà mở cửa các phòng không có người thuê để thoát mùi ẩm mốc. Thi thoảng có tiếng chiếc xe ba gác vào chuyển đồ cho công nhân rời trọ vọng vào.
Con hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân – nơi từng được gọi là “thủ phủ phòng trọ công nhân” chưa bao giờ vắng vẻ thế này. Nằm gần các khu công nghiệp, trước đây 150-200 phòng trọ trong hẻm luôn được lấp đầy, giờ “biển cho thuê phòng có khi còn nhiều hơn số người trọ” như cách nói của bà Mỳ. Nhiều tấm biển đã được treo lâu, bạc màu do gió mưa, được chủ trọ lấy xuống tô đậm rồi treo lại.
“Công nhân giờ còn chẳng có tiền ăn, lấy đâu tiền thuê trọ”, bà Mỳ nói, chỉ tay vào hai công nhân bị cắt giờ làm đang nhặt rau, luộc da heo chuẩn bị cho bữa trưa.
Nhà bà Mỳ cách công ty Pouyuen, doanh nghiệp có đông công nhân nhất TP HCM, khoảng 1,6 km, mất 20 phút đi bộ. Năm 2013, bà xây 15 phòng trọ có bếp, nhà vệ sinh và gác xép để cho công nhân thuê. Đợt sa thải tháng 2/2023 đã khiến nhiều người không thể bám trụ, từng tốp công nhân tạm biệt bà Mỳ về quê. “Họ nói về quê còn kiếm được con cá, mớ rau mà sống, ở lại chả biết làm gì”, bà nhớ lại.
Lúc trước, phòng từ hai đến ba người ở, nay chỉ còn một người là công nhân bị cắt giờ làm hoặc ráng chờ xin việc khác. Từ tháng 5, bà Mỳ giảm 100.000 đồng mỗi phòng cho khách thuê mới nhưng tình hình không khả quan hơn. Gần nửa số phòng vẫn bỏ trống.
Tuy nhiên, tình cảnh của bà Mỳ vẫn chưa căng thẳng như những chủ trọ phải đi thuê đất. Gần hết tháng 7, chị Lê Thị Tùng (44 tuổi) như ngồi trên đống lửa bởi 12 trong số 20 phòng trọ trống, trong khi tiền thuê 17 triệu một tháng vẫn không được giảm. “Ế chưa từng thấy”, chị nói.
Chị Tùng từng tự tin phòng chỗ mình rẻ nhất, với giá 800.000 đến 850.000 đồng một tháng, công nhân Pouyuen lấp đầy các phòng trong suốt 15 năm chị thầu khu trọ này. Mỗi tháng, sau khi thu tiền phòng, trừ phí thuê đất, điện nước và rác, chị lãi được chỗ ở rộng khoảng 10 m2 và cửa hàng bán tạp hóa. Chồng đi làm, chị ở nhà làm thêm nghề trông con cho công nhân nên dù eo hẹp vợ chồng vẫn đủ lo cho hai con đi học.
Chị cảm nhận rõ làn sóng sa thải từ giữa năm 2022 khi danh sách nợ tiền mua hàng của công nhân dài hơn. Kéo theo đó, bà chủ trọ bắt đầu mất khách ở ba phòng, tăng lên năm phòng và đỉnh điểm là 12 phòng từ quý I/2023. Hai vợ chồng cố gắng gồng lỗ chờ tình hình kinh tế khá hơn nhưng tấm biển “cho thuê phòng” vẫn không được gỡ xuống suốt năm qua.
Theo lời kể của chị Tùng, những chiều cuối tuần của dãy trọ trước đây như “ong vỡ tổ” với hàng trăm công nhân ra vào. Tầm 16h15, chợ Bà Hom và chợ Lộ Tẻ cách đó 350 m đông kín người, muốn di chuyển phải nhích từng chút một, công nhân phải tranh nhau mới mua được hàng tươi. Họ nấu ăn trước sân, hát karaoke đến tận tối. Hơn một năm nay, hẻm 58 vắng lặng, các dãy trọ như bỏ hoang, chỉ lác đác vài công nhân đi về.
Tình trạng này khiến bà Thu Hoa, 66 tuổi, cứ nửa tháng phải dọn rửa hai căn phòng trên lầu ba. Hơn năm nay, phòng không có người thuê, người phụ nữ mắc chứng thoái hóa khớp vẫn cố lên phòng gỡ mạng nhện, quét bụi, thi thoảng nhờ người sơn song sắt để làm ấm phòng.
Bà từng kén khách trọ, người đến được bà hỏi kỹ quê quán, hoàn cảnh gia đình, xem cách họ sống có sạch sẽ, ngăn nắp không mới đồng ý cho thuê. Khu nhà có 26 phòng, rải đều ba tầng lầu, không gian dưới tầng trệt gia đình bà Hoa sinh sống. Khoảng 80% người thuê là công nhân Pouyen, còn lại là người làm thợ hồ, bảo vệ.
Sau Covid-19, tiệm tạp hóa của bà cũng lay lắt theo đồng lương của công nhân. Trước tiệm giờ treo thêm biển “vui lòng không mua thiếu” vì một số người đã bỏ lại khoản nợ tiền hàng, tiền phòng để về quê. “Mỗi lần đọc tin sa thải thêm công nhân lại rầu”, bà nói.
Hai tháng qua, bà Hoa phải nhờ bà con, người quen tìm người thuê trọ, ký hợp đồng thành công bà sẽ gửi tiền hoa hồng 100.000 đồng. Giá phòng được giảm thêm 150.000-200.000 đồng nhưng bà vẫn đỏ mắt không tìm được người.
Chị Trang, 36 tuổi, một công nhân Pouyuen vẫn đang trụ lại, nhớ lần lên TP HCM đầu tiên cách đây 11 năm, phải tá túc nhà bạn nửa tháng vì không tìm được nhà trọ. Trong bán kính 3 km tính từ công ty, có khoảng 10 khu trọ, nhưng hẻm 58 là đông nhất, bởi giá rẻ và an toàn. Người phụ nữ quê Bình Định phải chờ đợi lúc có phòng trống, nhờ thêm bạn bè giới thiệu mình với chủ trọ mới được thuê.
Pouyuen cắt giảm nhân sự, ba người bạn về quê, chị ở lại chỉ đi làm bốn ngày trong tuần, gánh tiền trọ 1,2 triệu. Thu nhập 7 triệu, trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống, Trang cố gắng tiết kiệm số tiền còn lại để phòng thất nghiệp. Người mẹ 70 tuổi vẫn gọi điện thoại nói xót con gái ở một mình, khuyên chị về nhưng Trang từ chối, chị biết mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác.
Đồng nghiệp của Trang nằm trong số 1,07 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý II/2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê. Con số này tăng 54.000 người so với quý trước, do nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng. Lao động ở Đông Nam Bộ, vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, bị tác động mạnh. Chỉ tính riêng TP HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,71%, tăng so với quý trước. Công ty TNHH Pouyuen đã có hai đợt cắt giảm tính từ đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Tổ trưởng Khu phố 3, cho biết khu vực này chiếm 1/3 dân số của phường Tân Tạo A, đa số là công nhân từ các tỉnh đến thuê trọ. Sự sụt giảm bắt đầu từ sau Covid-19 nhưng đỉnh điểm là đầu năm 2023, từ 22.000 người nay chỉ còn 15.000 người.
Khu vực từng đông người thuê trọ nhất là hẻm 58 và hẻm 60 với khoảng 1.000 công nhân lưu trú, nay chỉ còn khoảng 1/3. Trước đó, phòng 12 m2 có thể cho bốn người ở, giờ chỉ còn một người ráng bám trụ. Tình hình ảnh hưởng chung, một số công nhân thất nghiệp chuyển sang buôn bán ở các khu chợ, quán ăn, tiệm tạp hóa… cũng ế ẩm, nhiều nơi đóng cửa. Địa phương cũng động viên, vận động các chủ trọ cố gắng không tăng giá để hỗ trợ đời sống công nhân.
Nghe tin trong tháng 8 lại có đợt cắt giảm, bà Mỳ thở dài và dự trù kế hoạch cho gia đình mình trong thời gian tới. Bà cho biết sẽ gói ghém bữa cơm gia đình, thức ăn ít lại, chi tiêu tằn tiện hơn.
“Khéo co thì ấm, cả gia đình tiết kiệm để chờ qua cơn bão này”, bà nói.
Ngọc Ngân