Tại sao mặc ít sẽ giữ ấm tốt hơn?
Một trong những nguyên nhân là các lớp quần áo chật khiến các mạch máu bị chèn ép, khó lưu thông và không đủ khả năng làm ấm các cơ quan trong cơ thể.
Vật liệu
Bản chất của việc giữ ấm là giảm sự mất nhiệt của cơ thể ra môi trường. Cách tốt nhất là mặc quần áo may bằng vật liệu có tốc độ truyền nhiệt chậm như polyester, bông, viscose, lông cừu, lông vũ…
Nhưng thực tế không khí tĩnh có độ dẫn nhiệt thấp nhất. Vì vậy, bí quyết mặc ấm chính là chọn vật liệu có độ dẫn nhiệt thấp và tạo ra một lớp không khí ổn định trên bề mặt vải, kết hợp với nhau để giữ nhiệt tốt hơn.
Chẳng hạn do cấu trúc đặc biệt, lông vũ giữ nhiều không khí nên sẽ ấm nhất. Nếu áo khoác lông vũ bị ép trong tủ suốt một năm hoặc sau khi giặt sẽ không còn ấm như trước. Nguyên nhân là cấu trúc ba chiều đã bị phá vỡ và không thể lưu giữ không khí.
Các sợi tổng hợp cũng được tối ưu hóa cấu trúc để lưu trữ nhiều không khí hơn. Chẳng hạn polyester thường được sử dụng trong áo bông, nhà sản xuất sẽ may hai lớp vải và ép bông bên trong thành từng khối, với mục đích tạo ra cấu trúc ba chiều lưu trữ không khí, cải thiện khả năng giữ ấm của quần áo.
Thoải mái
Khi mặc đồ mùa đông, ngoài việc các sợi trong vật liệu có thể lưu trữ không khí, không gian giữa các lớp cũng có thể lưu trữ không khí. Vậy có phải càng nhiều lớp, quần áo càng lưu trữ nhiều không khí và khả năng giữ ấm càng tốt?
Thực tế nếu lớp không khí quá dày, sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt từ trong ra ngoài, dẫn đến không khí lưu động và tạo ra đối lưu nhiệt. Một khi xảy ra đối lưu nhiệt, mất nhiệt sẽ nhanh hơn.
Ngoài việc chênh lệch nhiệt độ gây ra đối lưu nhiệt, quá nhiều lớp còn khiến không khí bị ép mỏng. Ví dụ nếu bạn mặc cùng lúc ba lớp áo thun, áo giữ nhiệt, áo len, dù cho quần áo có rộng cũng khó tránh các lớp ép vào nhau, không còn chỗ cho không khí. Thêm vào đó, khi chúng ta hoạt động, sự ép chặt và ma sát giữa các lớp sẽ làm không khí lưu thông nhiều hơn.
Do đó, đồ mùa đông không nên mặc quá chật, đặc biệt là áo khoác nên hơi rộng một chút để tạo không gian cho các lớp bên trong. Cảm giác thoải mái khi mặc tăng lên cũng làm nhiệt độ tăng. Tất nhiên, áo khoác quá rộng cũng không tốt, vì dễ bị gió lùa. Vì vậy, áo khoác nên có phần dưới hơi bó và quấn thêm khăn quanh cổ.
Để mặc ấm, có thể áp dụng công thức này:
Lớp ngoài chọn áo khoác lông vũ, áo bông, áo khoác len, áo lông thú nhân tạo, áo có khả năng chống gió để tạo ra lớp không khí càng dày càng tốt.
Lớp giữa dùng các vật liệu mềm mại, phồng như fleece, lông cừu mỏng, áo lót lông vũ để tạo thêm lớp không khí. Nếu áo khoác đã chống lạnh và gió, có thể bỏ qua lớp giữa.
Lớp trong chọn quần áo giữ nhiệt, áo nhanh khô như đồ thể thao có khả năng thấm hút và thoáng khí, tránh hơi ẩm từ quá trình trao đổi chất của cơ thể tích tụ trong quần áo, làm giảm khả năng giữ nhiệt.
Cần lưu ý, việc chọn chất liệu lớp trong có nên là 100% cotton hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sử dụng. Nếu chỉ mặc hàng ngày, không vận động nhiều, lớp trong bằng cotton là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu vận động nhiều, tránh mặc cotton vì sẽ thấm nhiều mồ hôi làm ẩm ướt, dính vào da không thoải mái và ảnh hưởng đến khả năng giữ ấm.
Lông cừu là chất liệu tốt để mặc bên trong. Ngoài ra có thể chọn đồ pha trộn giữa acrylic, polyester với modal, cotton, viscose, sợi tre có khả năng thấm hút, lại giữ ấm và giá cả cũng hợp lý hơn. Nên tránh những loại áo lót có lông dài bên trong, nhìn có vẻ ấm áp, nhưng lông dài sẽ giữ nước trên bề mặt da, không thoải mái cho cơ thể.
Đối với quần, chỉ nên mặc hai lớp là đủ. Bên trong giữ nhiệt, bên ngoài chống gió.
Tóm lại, việc giữ ấm không phải chỉ là mặc nhiều lớp, mà là biết cách mặc để tạo ra lớp không khí, từ đó giữ ấm cơ thể từ đầu đến chân.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)