Chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức lãnh đạo Sở Cảnh sát New York (NYPD), lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Mỹ, Jessica Tisch đã phải đối mặt với vụ trọng án làm rung chuyển đất nước, khi CEO Brian Thompson của công ty bảo hiểm UnitedHealthcare bị bắn gục trên đường phố sáng 4/12.

Trước sự táo tợn của nghi phạm và mức độ nghiêm trọng của vụ án, NYPD phải dốc toàn lực điều tra, truy lùng. Các điều tra viên của sở đã phân tích hàng nghìn giờ video trích xuất camera an ninh trên khắp thành phố và phát hiện góc quay rõ nét về gương mặt nghi phạm Luigi Mangione tại một nhà nghỉ.

Lúc này, bà Tisch, 43 tuổi, phải đưa ra quyết định quan trọng là liệu có nên công khai ảnh của nghi phạm bắn ông Thompson hay không. Nếu công bố bức ảnh, NYPD có thể đánh động nghi phạm. Nhưng việc công khai hình ảnh đó cũng sẽ giúp tăng cơ hội người dân nhận ra anh ta.

Khi ngày càng nhiều thông tin cho thấy nghi phạm đang chạy trốn xa hơn khỏi New York, bà Tisch và đội trưởng đội điều tra Joseph Kenny đã quyết định công bố bức ảnh.

“Chúng tôi có lý do để tin Mangione đã rời New York và tôi muốn công khai gương mặt nghi phạm để người dân trên toàn quốc hỗ trợ phá án”, bà Tisch nói.





Jessica Tisch, lãnh đạo NYPD. Ảnh: WSJ

Jessica Tisch, lãnh đạo NYPD. Ảnh: WSJ

Quyết định này đã được đền đáp. Các cơ quan cảnh sát đã tiếp nhận hàng trăm thông tin do người dân cung cấp liên quan đến nghi phạm. Hôm 9/12, sau 5 ngày lẩn trốn, Mangione, 26 tuổi, bị bắt tại nhà hàng McDonald’s ở Pennsylvania, cách New York 500 km, sau khi nhân viên nhà hàng nhận ra anh ta có nhiều đặc điểm trùng khớp với nghi phạm trong bức ảnh và quyết định báo với cảnh sát địa phương.

Bà Tisch từ lâu được xem là một trong những cá nhân xuất sắc nhất tại New York. Bà xuất thân từ gia đình quản lý tập đoàn bảo hiểm Loews Corp, được coi là “học bá”, thuật ngữ để chỉ những người có thành tích học tập xuất sắc, khi tốt nghiệp Trường Luật và Trường Kinh doanh tại Đại học Harvard.

Sau khi tốt nghiệp năm 2008, bà được một người bạn giới thiệu đến làm việc cho NYPD, tham gia và dẫn dắt nỗ lực hiện đại hóa cách làm việc ở đơn vị này. “Tôi vào NYPD do duyên, đó là một trong những điều may mắn nhất đời”, bà nói.

Bà Tisch đã dành phần lớn thời gian công tác để phát triển Hệ thống Giám sát Khu vực của NYPD trở thành một trong những hệ thống giám sát lớn nhất thế giới.

Đây là công cụ mạnh mẽ, cho phép cảnh sát New York truy cập theo thời gian thực vào hàng loạt camera an ninh từ cả khu vực công – tư, máy đọc biển số xe trải khắp 5 quận.

“Trong vụ bắt Mangione, các nhà điều tra đã hoàn thành công việc một cách đáng kinh ngạc khi phân tích hàng nghìn giờ video, không chỉ giúp lần theo dấu vết nghi phạm, mà còn xác định được hình ảnh rõ mặt của tay súng để công bố với công chúng”, bà Tisch nói.

Bà ban đầu làm việc tại đơn vị phòng chống khủng bố của NYPD, sau đó thành phó phòng công nghệ thông tin, trước khi rời đi để nhậm chức giám đốc Sở Công nghệ thông tin và Viễn thông New York.





Khoảnh khắc nghi phạm Luigi Mangione lộ mặt. Ảnh: NYPD

Khoảnh khắc nghi phạm Luigi Mangione lộ mặt. Ảnh: NYPD

Cuối tháng trước, bà được Thị trưởng Eric Adams bổ nhiệm làm lãnh đạo NYPD, thay thế người tiền nhiệm Ed Caban từ chức hồi tháng 9. Dù không phải là một sĩ quan cảnh sát trải qua trường lớp đào tạo chính quy, bà Tisch được nhiều người ở đây ngưỡng mộ.

“Bà ấy thường không mặc cảnh phục, luôn nỗ lực khiến cuộc sống của nhân viên trở nên dễ thở hơn, đặc biệt là ở cấp cao”, Terry Monahan, cựu cảnh sát trưởng NYPD từng làm việc với Tisch, nhận xét.

Theo ông Monahan, khi các quan chức muốn hiện đại hóa một số hoạt động cảnh sát, bà thường xung phong nhận việc để đơn vị mình quản lý xây dựng các phần mềm liên quan.

Bà Tisch còn điều hành một ứng dụng điện thoại giúp các nhà điều tra, cảnh sát theo dõi công việc của mình dễ dàng hơn. Bà cũng tạo sổ ghi chép kỹ thuật số để các cảnh sát ghi lại thông tin, thay vì viết tay như cũ.





Jessica Tisch, lãnh đạo NYPD, phát biểu cùng Thị trưởng New York Eric Adam (trái) ngày 28/11. Ảnh: AFP

Jessica Tisch, lãnh đạo NYPD, phát biểu cùng Thị trưởng New York Eric Adam (trái) ngày 28/11. Ảnh: AFP

Những sáng kiến này giúp các sĩ quan dễ dàng truy cập kho dữ liệu khổng lồ. Cảnh sát hiện cũng nhận được thông báo đẩy qua smartphone về các vụ án trước cả khi thông tin phát qua bộ đàm, giúp tăng thời gian phản ứng.

“Bà Tisch thúc đẩy triệt để các sáng kiến này. Thực sự không có sở cảnh sát nào khác ở Mỹ có thể làm vậy”, J. Peter Donald, cựu trợ lý lãnh đạo NYPD, nói.

“Về cơ bản, bà Tisch đã đưa NYPD ‘từ thời tiền sử sang thời hiện đại’ nhờ số hóa”, ông Monahan mô tả.

Tisch cho biết lần đầu tiên chứng kiến việc cảnh sát áp dụng công nghệ tích hợp dữ liệu từ camera vào phục vụ điều tra là 16 năm trước. “Tôi nghĩ đây chính là yếu tố có thể cách mạng hóa NYPD. Đến nay, chắc là tôi đã đúng”.

Đức Trung (Theo WSJ, CNN, AFP)