Lý do Australia muốn cấm trẻ em dùng mạng xã hội
Là một chuyên gia giáo dục về an toàn trên mạng, Kirra Pendergast hồi đầu tháng tham gia phiên thảo luận với các học sinh 12-13 tuổi tại một trường trung học Australia.
Chỉ vài phút sau khi phiên thảo luận bắt đầu, một nhóm nam sinh bắt đầu đưa ra những lời bình phẩm xúc phạm nhắm vào hình ảnh một cô gái trong bài thuyết trình của Pendergas. Đây là những lời lẽ miệt thị phụ nữ mà một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường dùng trong các video trực tuyến.
Giáo viên yêu cầu nhóm nam sinh im lặng, trước khi một nữ sinh ngồi ở hàng đầu văng ra những lời lẽ đầy tục tĩu, khiến Pendergas bị sốc và rời khỏi lớp học trong nước mắt.
“Tôi không thể tin rằng mình phải khóc như vậy. Tôi tin rằng hành vi của các học sinh mà tôi chứng kiến hôm nay hoàn toàn là do những thứ chúng xem trên mạng”, Pendergas, người sáng lập công ty An toàn trên Mạng xã hội, nói. “Tôi biết rằng đã đến lúc phải thay đổi”.
Pendergas từng phản đối lệnh cấm trẻ em dùng mạng xã hội, nhưng giờ đây bà ủng hộ hoàn toàn biện pháp này.
Chính phủ Australia hồi đầu tháng công bố dự luật chưa từng có trên thế giới, cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Nếu được thông qua, luật sẽ áp dụng mức phạt gần 32 triệu USD đối với các nền tảng nếu không thực hiện các bước để ngăn người dưới 16 tuổi sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Đảng Tự do đối lập đã lên tiếng ủng hộ dự luật và nó dự kiến được thông qua cuối năm 2025. Sau khi thành luật, các nền tảng công nghệ có 12 tháng để tuân thủ, ngày áp dụng sẽ được Bộ trưởng Truyền thông Australia ấn định.
Chính phủ Australia không ra hướng dẫn để các nền tảng mạng xã hội tuân thủ luật này, nhưng nhiều khả năng các ứng dụng sẽ phải áp dụng công nghệ xác thực độ tuổi với người dùng.
Trong khi đó, các trường học ở Australia đang phải vật lộn kiểm soát học sinh trước một “bãi mìn” tương tác diễn ra trên mạng, ngoài giờ học, trên các nền tảng ngoài tầm với của giáo viên.
“Các thầy cô giáo đang chịu rất nhiều áp lực. Thực tế là văn hóa đã bị mạng xã hội làm suy yếu. Rất khó để ngăn chặn điều này”, nhà tâm lý học Danielle Einstein nói.
Hồi đầu tháng, bố mẹ của nữ sinh Charlotte O’Brien, 12 tuổi, đã trình kiến nghị lên Thủ tướng Australia, kêu gọi tăng giới hạn độ tuổi dùng mạng xã hội từ 13 lên 16. Kiến nghị sau đó nhận được 124.000 chữ ký ủng hộ, lượng lớn nhất thế giới về chủ đề này.
Charlotte O’Brien tự kết liễu đời mình vào tháng 9, sau khi bị bắt nạt trên mạng xã hội Snapchat. Một nạn nhân có cùng cảnh ngộ là Ella Catley-Crawford, người đã bị các bạn học đóng giả người lạ tán tỉnh trên Snapchat, sau đó phát tán các video nhạy cảm của cô bé.
“Không phụ huynh nào muốn trải qua nỗi đau mà chúng tôi phải chịu đựng”, Matthew Howard, bố Charlotte, nói.
Dany Elachi, nhà sáng lập Liên minh Heads Up khuyến khích phụ huynh không cho con nhỏ sử dụng smartphone, cho hay nhiều ông bố bà mẹ Australia đang chứng kiến ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội với con cái. Nhiều học sinh thừa nhận với Elachi rằng mạng xã hội đóng vai trò nhất định trong hành vi, suy nghĩ của các em.
Tuy nhiên, dự luật của chính phủ Australia cũng gây ra một số tranh cãi về tính hợp lý. Hồi tháng 10, hơn 140 chuyên gia nước này đã gửi thư ngỏ tới chính phủ, tỏ lo ngại rằng luật cấm là phản ứng vội vàng, thiếu sắc bén, khi loại bỏ động lực tìm kiếm cách quản lý an toàn mới cho trẻ em của các nền tảng mạng xã hội.
Sau nhiều tháng điều trần, một ủy ban điều tra mạng xã hội Australia cũng không tán thành luật cấm. Ủy ban này thay vào đó khuyến nghị luật nên được đặt các nền tảng mạng xã hội dưới quyền điều chỉnh của chính phủ, và người trẻ nên đóng góp xây dựng bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến họ.
“Ý tưởng cấm tiệt mạng xã hội rất hấp dẫn với các phụ huynh, vì nó như thể loại bỏ hoàn toàn nỗi lo của họ. Nhưng luật có thể không đem lại cảm giác nhẹ nhõm mà họ đang tìm kiếm. Mạng xã hội sẽ tiếp tục là một phần quan trọng không thể chối bỏ trong việc nuôi dạy con cái trong tương lai”, Amanda Third, chuyên gia về trẻ em tại Đại học Western Sydney, nói.
Nikita White, thành viên Tổ chức Ân xá Quốc tế Australia, khuyến khích tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người dùng nhỏ tuổi, trong khi vẫn ưu tiên quyền sử dụng của chúng.
“Người dùng nhỏ tuổi có quyền thể hiện bản thân trên Internet, tìm kiếm thông tin. Mạng xã hội mang lại cho các em khả năng hòa nhập, kết nối xã hội. Trên thực tế, tác động của mạng xã hội không chỉ giới hạn ở trẻ em, mà còn lan sang nhiều nhóm. Cách tốt nhất là xây dựng luật quản lý chặt chẽ hơn”, bà nhận xét.
Digital Industry Group (DIGI), tổ chức đại diện có thành viên là các tập đoàn công nghệ lớn sở hữu các nền tảng mạng xã hội, còn cảnh báo lệnh cấm của Australia có thể thúc đẩy người dùng nhỏ tuổi khám phá phần tối hơn, ít được quản lý hơn của Internet.
“Đây là phản ứng của thế kỷ 20 đối phó với thách thức thế kỷ 21. Giữ an toàn cho người dùng nhỏ tuổi mới là ưu tiên hàng đầu”, Sunita Bose, giám đốc DIGI, nói.
Bà Julie Inman Grant, lãnh đạo Ủy ban eSafety, cơ quan quản lý Internet Australia chịu trách nhiệm thực thi luật mới, thừa nhận những thách thức trước mắt, bởi “công nghệ luôn thay đổi nhanh hơn chính sách”.
Nhưng bà cũng nhấn mạnh mục đích cốt lõi của dự luật là để giải quyết tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần diện rộng với trẻ em Australia, có thể do mạng xã hội gây ra.
“Chưa xác định rõ ràng được bằng chứng, nhưng nhiều em trong các nhóm trẻ dễ tổn thương đang cảm thấy là chính mình trên Internet hơn ngoài đời thực”, bà Grant nói. “Và Australia không cấm bơi, mà đang dạy trẻ bơi, tạo môi trường bơi lội an toàn khi thúc giục các tập đoàn công nghệ dọn dẹp mạng xã hội của họ, cũng như đầu tư nhiều hơn vào các công cụ giáo dục”.
Đức Trung (Theo CNN, BBC, AFP)