Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã bày tỏ quan tâm tới vấn đề giải quyết xung đột Ukraine càng nhanh càng tốt, tuyên bố sẽ ngăn đổ máu ở Ukraine thông qua thỏa thuận đàm phán với chính phủ Nga. Ông cũng nhiều lần cam kết sẽ giải quyết xung đột trong 24 giờ sau khi nhậm chức và khẳng định chiến dịch của Nga không bao giờ xảy ra nếu ông ở Nhà Trắng.

Sau khi ông Trump thắng cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng chúc mừng và nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống đắc cử Mỹ. Vài ngày sau, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga chỉ ra những dấu hiệu “tích cực” về cải thiện quan hệ giữa Moskva và Washington.

Bất chấp những tín hiệu lạc quan đó, Anatol Lieven, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy ở Washington, bày tỏ sự thận trọng về những tác động từ việc ông Trump sẽ lãnh đạo Mỹ 4 năm tới đối với quan hệ Mỹ – Nga cũng như triển vọng kết thúc xung đột Ukraine.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Tháp Trump ở New York ngày 27/9. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Tháp Trump ở New York ngày 27/9. Ảnh: AP

Hiện chưa rõ ông Trump định xử lý xung đột Ukraine thế nào, khi ông được nhận xét là người khó đoán định và có quan điểm thân thiện với ông Putin, đồng thời phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ như ông sẽ gây áp lực bao nhiêu để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga và chính quyền của ông sẽ nhượng bộ Moskva tới mức nào.

Nga tuyên bố chỉ đồng ý chấm dứt xung đột nếu Ukraine chấp nhận từ bỏ 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết bác bỏ mọi điều khoản nhượng bộ lãnh thổ, chỉ chấp nhận “hòa bình công bằng” khi Nga rút hết quân khỏi biên giới Ukraine trước xung đột.

Trong khi Nga có đôi chút lạc quan về nhiệm kỳ của ông Trump, Ukraine lại ngập tràn lo lắng. Kể từ năm 2019, quan hệ giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trở nên căng thẳng. Quan chức chính phủ Ukraine rất lo sợ chính quyền mới ở Mỹ sẽ thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng giảm viện trợ cho Kiev, làm suy yếu NATO và nhượng bộ Nga.

Nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, châu Âu sẽ khó bù đắp thiếu hụt và Kiev có thể phải chấp nhận thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản có thể có lợi cho Moskva.

“Chính phủ Ukraine rất lo ngại về ông Trump và cả Phó tổng thống đắc cử JD Vance, những người dường như đã nghĩ tới giải pháp hòa bình với Nga”, Lieven lưu ý.

Giới phân tích cho rằng khi ông Trump lên nắm quyền, Kiev có thể phải chấp nhận một thực tế rằng giải pháp hòa bình mà Mỹ đưa ra là điều không thể tránh, ngay cả khi nó không như Ukraine mong đợi.

“Ngày càng nhiều người Ukraine thừa nhận ý tưởng hòa bình mà chính phủ ông Zelensky theo đuổi là không thể đạt được và cần phải làm gì đó để họ chấp nhận thực tế, bắt đầu đưa ra các đề xuất khả thi”, Lieven nói.

Cuộc thăm dò dư luận do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev thực hiện hồi tháng 10 chỉ ra 32% người Ukraine được hỏi sẵn sàng chấp nhận từ bỏ một số lãnh thổ để đổi lấy việc chấm dứt xung đột và bảo vệ nền độc lập. Tỷ lệ này hơn gấp đôi so năm 2023, song phần lớn người dân Ukraine vẫn phản đối bất kỳ nhượng bộ nào về lãnh thổ.

Bởi vậy, giới quan sát cho rằng nỗ lực chấm dứt xung đột không dễ dàng với ông Trump, ngay cả khi Mỹ nắm trong tay đòn bẩy viện trợ quân sự mang tính quyết định với Ukraine và thể hiện lập trường thân thiện hơn với Nga.

Dù một số người Nga hy vọng rằng ông Trump sẽ cắt viện trợ vũ khí cho Ukraine, điều sẽ góp phần giúp Moskva đạt được một số mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách thực tế hơn ở Nga hiểu rằng lập trường của Mỹ với nước này rất khó thay đổi dù dưới chính quyền nào.

“Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump chưa từng làm bất cứ điều gì tích cực cho Nga. Ngược lại, ông ấy đã ra lệnh chuyển giao tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine trước khi xung đột nổ ra”, Lieven lưu ý.

Lô tên lửa Javelin và các khí tài quân sự khác trong gói viện trợ an ninh trị giá 200 triệu USD mà Mỹ chuyển cho Ukraine vào tháng 1/2022 đã có vai trò quan trọng giúp Kiev ngăn chặn bước tiến của Nga khi xung đột nổ ra.

Moskva hy vọng đề xuất hòa bình từ ông Trump có thể làm cơ sở cho đàm phán, nhưng lo ngại Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ duy trì cách tiếp cận không hợp tác như trong quá khứ. Dù cả ông Putin và ông Trump có thể kỳ vọng đạt lợi ích chung, cả hai dường như không có xu hướng nhượng bộ nhau.

“Ngay cả khi năm tới, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga nhất trí về các điều khoản chấm dứt xung đột, thật ngây thơ khi cho rằng điều này có thể đạt được trong 24 giờ như ông Trump cam kết”, Giorgio Cafiero, nhà phân tích của TRT World, nhận định.

Cafiero cảnh báo Moskva có thể đòi hỏi nhiều hơn những gì chính quyền ông Trump sẵn sàng hoặc có khả năng đáp ứng để chấm dứt xung đột.


Lực lượng Nga khai hỏa vào vị trí của quân Ukraine ở tỉnh Kursk trong bức ảnh lấy từ video Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 13/11. Ảnh: AP

Lực lượng Nga khai hỏa vào vị trí của quân Ukraine ở tỉnh Kursk trong bức ảnh lấy từ video Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 13/11. Ảnh: AP

Đội ngũ của ông Trump sẽ cần có “sự chuẩn bị cẩn thận và ngoại giao khôn khéo” để có thể đạt được thỏa thuận khả thi, theo Lieven. Liệu chính quyền mới của ông Trump có thể đưa ra cách tiếp cận như vậy hay không là điều chưa chắc chắn.

Nikola Mikovic, nhà phân tích chuyên về chính sách đối ngoại Nga ở Belgrade, Serbia, cho rằng đòn bẩy duy nhất mà ông Trump đang sở hữu là biện pháp gây áp lực đối với cả Kiev và Moskva để đạt mục tiêu chấm dứt chiến sự.

Với Ukraine, áp lực đó là lời đe dọa cắt viện trợ quân sự nếu Kiev không chấp nhận đàm phán. Với Nga, đó là cam kết sẽ bơm thêm vũ khí cho Ukraine nếu Moskva không đi đến thỏa thuận.

“Tôi hy vọng ông Putin sẽ chấp nhận đề xuất như năm 2015, khi lãnh đạo Nga đồng ý đóng băng cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai ở vùng Donbass, để cùng Mỹ tập trung đối phó cuộc chiến với phiến quân ở Syria”, Mikovic nói.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng việc ông Trump có thể chấm dứt xung đột hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những động thái của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Nga và Ukraine trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên ngày 17/11 cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ chuyển giao để tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Cuộc tấn công đầu tiên có thể diễn ra trong những ngày tới, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.

Nhà Trắng và Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này. Nếu được xác nhận, động thái này của chính quyền ông Biden có thể dẫn tới leo thang xung đột, khi ông Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây không được cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tập kích Nga.

Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga, cảnh báo động thái của Mỹ có thể dẫn đến Thế chiến III. Nghị sĩ Andrei Klishas, thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang, cho rằng phương Tây đã đưa ra quyết định leo thang “có thể khiến nhà nước Ukraine hoàn toàn sụp đổ vào hôm sau”.

“Không thể biết điều gì sẽ xảy ra trên chiến trường từ bây giờ đến khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Song bất cứ hành động leo thang nào đều có thể làm lu mờ đáng kể triển vọng đàm phán Mỹ – Nga vào năm tới để nhanh chóng chấm dứt xung đột”, nhà phân tích Giorgio Cafiero cho hay.

Thùy Lâm (Theo TRT World, WSJ, Reuters)