“Chúng tôi kêu gọi lập tức tuyên bố Đại sứ Lô Sa Dã là người không được hoan nghênh để đáp trả hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận được của ông ấy”, 80 nghị sĩ từ các quốc gia châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) viết trong kiến nghị gửi Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đăng trên tờ Le Monde tối 23/4.

Theo quy định quốc tế, các nhà ngoại giao có quyền miễn trừ tại quốc gia họ công tác nhưng có thể bị tước quyền ở lại trong trường hợp có hành động thù địch hoặc vi phạm pháp luật. Quốc gia sở tại có thể thông báo nhân viên ngoại giao nước khác là “người không được hoan nghênh” bất cứ lúc nào và việc người này ở lại quốc gia đó là không thể chấp nhận.

Động thái xuất hiện sau khi ông Lô ngày 21/4 nói Crimea theo lịch sử vốn là một phần của Nga và cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã trao bán đảo cho Ukraine, khi được hỏi liệu bán đảo Crimea có phải một phần của Ukraine hay không. Ông Lô còn thêm rằng các quốc gia từng thuộc Liên Xô “thậm chí không có địa vị thực tế theo luật pháp quốc tế, vì không có thỏa thuận quốc tế nào xác nhận tư cách quốc gia có chủ quyền của họ”.

Nhóm nghị sĩ châu Âu cho rằng bình luận của ông Lô là không chính xác, thiếu tôn trọng chủ quyền và văn hóa của các quốc gia từng thuộc Liên Xô. “Chủ quyền không phải trò chơi ngoại giao, mà là yếu tố cốt lõi trong các quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, nhóm nghị sĩ viết.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã ở Paris hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã ở Paris hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 24/4 khẳng định Trung Quốc tôn trọng vị thế quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia đó.

Khi được hỏi liệu lập trường của ông Lô có phải là quan điểm chính thức của Trung Quốc hay không, bà Mao nói rằng chỉ phát biểu của bà về vấn đề chủ quyền mới đại diện cho lập trường của chính phủ Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày chỉ trích Đại sứ Trung Quốc, cho rằng bình luận của ông Lô là không phù hợp. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết “đã ghi nhận những giải thích” của phía Trung Quốc, trong đó có việc nhận xét của Đại sứ được đưa ra với “tư cách cá nhân”.

Phát biểu của ông Lô còn vấp phải nhiều chỉ trích từ Liên minh châu Âu, Ukraine, Đức và các nước Baltic Estonia, Litva và Latvia. Ba quốc gia vùng Baltic đã triệu đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải trình phát ngôn của ông Lô.

Đại sứ Lô được biết tới với phong cách ngoại giao chiến lang cùng những phát ngôn gay gắt. Ông từng bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Pháp một số lần, trong đó có bình luận ám chỉ giới chức Pháp bỏ mặc người già tại viện dưỡng lão trong đại dịch Covid-19 và gọi một nhà nghiên cứu phê bình Pháp là “côn đồ” trên Twitter.

Như Tâm (Theo RT, Le Monde)